Kỹ năng lãnh đạo hội đoàn

Bài chia sẻ về “Kỹ năng lãnh đạo hội đoàn” do linh mục Giu-se Tạ Xuân Hòa trình bày trong ngày thường huấn các ban – hội đoàn nam Giáo hạt Phủ Lý, ngày 28/5/2024.
————
Xin kính chào tất cả các tham dự viên.
Ngày hôm nay, chúng ta quy tụ nhau nơi đây với thao thức canh tân đời sống đức tin của hội đoàn theo mong muốn của Đức Tổng Giám mục Giu-se đề ra cho năm mục vụ này. Tất cả các linh mục coi sóc các cộng đoàn giáo xứ đều có chung một nhận xét: ở xứ nào có các hội đoàn hoạt động mạnh mẽ sốt sắng thì giáo xứ đó phát triển và có một sức sống dồi dào. Vậy phải làm thế nào để hội đoàn phát triển? chắc chắn có rất nhiều yếu tố nhưng trong khuôn khổ của bài chia sẻ này, tôi muốn nói đến vai trò của người lãnh đạo, nghĩa là trưởng các hội đoàn.
Phải thú thực, tôi chưa bao giờ làm trưởng một hội đoàn nào. Vì thế, tôi không có kinh nghiệm thực tế để chia sẻ với quý vị. Tuy nhiên, với kinh nghiệm gần 20 năm linh mục, tôi có thể chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe, cũng như từ chính kinh nghiệm lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ của cá nhân tôi.
Trong thực tế, không dễ gì tìm ra được người có đủ phẩm chất để lãnh đạo các hội đoàn. Cách đây mấy hôm, ông Putin vừa tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp. Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc với hơn một tỷ người, chúng ta thấy ông Tập Cận Bình cũng bước sang nhiệm kỳ thứ ba làm Tổng bí thư, chủ tịch nhà nước Trung Hoa. Còn ngay tại Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dù tuổi cao vẫn phải ở lại thêm một nhiệm kỳ vì chưa tìm được người kế vị xứng đáng. Ngay cả một quốc gia dân chủ như Mỹ, hai ông Joe Biden, đương kim tổng thống và Donald Trump, cựu tổng thống, một ông 82 tuổi và một ông 78 tuổi cũng đang chuẩn bị tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa. Chúng ta điểm qua vài nhân vật như thế để thấy được rằng tìm được một người lãnh đạo đúng nghĩa là công việc đầy gian khó.
Khi tôi về làm mục vụ ở một giáo xứ kia. Hội gia trưởng của giáo xứ khi đó được điều hành bởi một người mà tôi thấy rất có khả năng. Anh không phải là người quá sốt sắng nhưng lại rất có khả năng quy tụ anh em. Anh nói và các thành viên lắng nghe tiếng nói của anh. Anh sắp xếp và điều hành anh em tham gia giúp việc cho giáo xứ đang trong quá trình kiến thiết xây dựng một cách nhịp nhàng. Hai năm sau, anh hết khoá. Các thành viên bầu lên một người thay thế. Nhưng người này lại không có khả năng lãnh đạo. Thế là mọi hoạt động của Hội đều đi xuống. Ngay cả ngày lễ quan thầy hàng năm cũng không đông như trước. Như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng vai trò của người lãnh đạo thật quan trọng trong việc phát triển các hội đoàn của giáo xứ.
Vậy một người lãnh đạo cần có những phẩm chất gì?
Là một Hội đoàn Công giáo, trước hết, chúng ta phải khẳng định, người đứng đầu các hội đoàn phải là người có đức tin sâu sắc vào Chúa. Đồng thời, người lãnh đạo cũng cần có một nền tảng giáo lý vững vàng. Chỉ khi có một đức tin sâu sắc và nền tảng giáo lý vững chắc, người lãnh đạo hội đoàn mới thao thức lo cho phần rỗi của anh em mình.
Tiếp đến là tố chất lãnh đạo. Đây là khả năng Chúa cho. Trong chương trình phỏng vấn MC Nguyễn Ngọc Ngạn của Paris by night, ông cũng đề cập tới chủ đề này. Để trở thành một MC giỏi, điều quan trọng bậc nhất phải là khả năng Chúa ban cho. Có những người sinh ra, Chúa cho một vóc dáng đẹp đẽ, một khuôn mặt ưa nhìn, một giọng nói trầm ấm cuốn hút người khác. Khi tôi còn đi học, tôi ít khi được bầu làm lớp trưởng vì tôi nhút nhát, không có khả năng lãnh đạo. Sau này khi đã làm linh mục, tôi mới mạnh dạn phát biểu trước đám đông. Nhờ hằng ngày được rèn luyện mà mình dần dần thích nghi cũng như làm chủ được diễn đàn của mình.
Sau cùng là một số điều cần phải có của một người lãnh đạo theo thiển ý của cá nhân tôi.
1. Cầu nguyện
Người lãnh đạo cần phải là con người biết cầu nguyện. Một con người biết cầu nguyện là một con người có đời sống nội tâm sâu sắc. Cầu nguyện chính là sợi giây thiêng liêng kết nối các thành viên trong một hội đoàn. Đây cũng làm điểm khác biệt làm nên tính đặc thù của hội đoàn Công giáo. Người lãnh đạo biết cầu nguyện sẽ có khả năng điều khiển các buổi cầu nguyện của hội đoàn, và truyền cảm hứng cho anh em hội viên trở thành những người điều khiển các buổi cầu nguyện trong gia đình.
2. Khiêm nhường
Người lãnh đạo dù tài ba lỗi lạc đến đâu cũng không bao giờ được phép kiêu ngạo. Người ta thường nói khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tự kiêu một chút đã là thừa. Chúng ta không bao giờ có thể một mình làm được tất cả. Mỗi người đều chỉ giỏi ở một lãnh vực nào đó mà thôi. Không ai là hoàn hảo nên cần nhận ra sự thật nơi bản thân mình. Càng khiêm tốn, người lãnh đạo càng được quý trọng. Càng khiêm tốn, người lãnh đạo càng thành công.
3. Khả năng quy tụ
Trong những năm tháng đầu tiên ra làm linh mục chính xứ, tôi đã cho bầu một ban hành giáo mới ở giáo xứ tôi được uỷ thác. Giáo xứ đó đã rất lâu không bầu được ban hành giáo. Sau nhiều cố gắng, cuối cùng tôi cũng bầu chọn được 7 thành viên trong đó có 6 nam và 1 nữ. Người đạt số phiếu cao nhất đáng ra phải là trưởng ban, nhưng tôi lại chọn người số 3. Lý do đơn giản là người số 3 có khả năng quy tụ anh em, khả năng kết nối các thành viên còn lại. Kết quả cuối cùng là ban hành giáo đó đã hoạt động rất hiệu quả.
4. Lắng nghe
Người lãnh đạo cần có khả năng lắng nghe những ý kiến khác nhau của các thành viên. Có những ý kiến đồng thuận khiến ta rất vui vẻ chấp nhận. Nhưng cũng có những ý kiến trái chiều, khó nghe, khi đó người lãnh đạo cần phải có cái nhìn trung dung. Không vội đưa ra kết luận mà cần suy nghĩ và bàn hỏi thấu đáo để có tiếng nói cuối cùng. Dĩ nhiên, chúng ta không bao giờ mong có được 100% ý kiến đồng thuận. Khi quyết định được đưa ra, vẫn sẽ có những thành viên phản đối. Chúng ta không nên vì thế mà bực tức, nhưng cần bao dung và đón nhận, đồng thời luôn yêu thương chứ không kết án.
5. Lời nói luôn đi đôi với việc làm
Người lãnh đạo cần phải là người ngôn hành hợp nhất. Nếu người lãnh đạo không thực thi những gì mình đưa ra, thật khó để thuyết phục các thành viên. Nói một cách khác, người lãnh đạo cần làm gương cho anh em hội viên. Trưởng hội đoàn mà không đi tập hát, không đi tham dự Thánh lễ, không xung phong trong các phong trào hoạt động của giáo xứ thì không bao giờ nói được ai.
Trên đây là một vài điều tôi suy tư và đưa ra cho một người lãnh đạo hội đoàn. Tôi nghĩ rằng sẽ còn nhiều tiêu chí khác nữa mà quý vị tham dự viên sẽ bổ sung và đóng góp để xây dựng hội đoàn vững mạnh. Chúng ta cần phải luôn ghi nhớ rằng hội đoàn của chúng ta là hội đoàn đức tin chứ không phải là hội doanh nghiệp làm ăn kinh tế. Mục đích chính yếu của hội đoàn là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá bản thân. Chúng ta tham gia hội đoàn không phải để được giàu có hay vẻ vang gì. Chúng ta tham gia hội đoàn đơn giản để yêu mến Chúa hơn, để chúng ta sống là người Công giáo tốt hơn. Đó mới là điều quan trọng. Vì thế, những người lãnh đạo hội đoàn đừng bao giờ thất vọng khi thấy hội đoàn của mình chưa sốt sắng. Chúng ta cũng đừng bao giờ bi quan. Chúng ta hãy phó thác cho lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Ngài luôn có cách hành động của Ngài. Phần chúng ta, hãy luôn làm hết khả năng của mình. Như thế là chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh rồi.
Để kết thúc, tôi xin kể cho anh em một kỷ niệm khi tôi kết thúc sứ vụ ở Giáo hạt Lý nhân. Quý cha trong Giáo hạt đề nghị tôi thay mặt cho các anh em linh mục chuyển xứ vào thời điểm đó nói mấy lời với các anh em ở lại. Tôi có phát biểu ngắn gọn như thế này: “Thưa anh em, chúng ta cứ nói đến canh tân này nọ. Nhưng Giáo hội muốn được canh tân thì chính anh em linh mục chúng phải canh tân trước tiên. Một giáo xứ đạo đức giao cho một linh mục dở thì giáo xứ đó cũng sẽ đi xuống. Một giáo xứ khô khan nếu giao cho một linh mục thánh thiện thì nhất định sẽ tốt đẹp”. Tôi cũng mượn tâm tình này để nói với các tham dự viên hôm nay là trưởng các hội đoàn. Một hội đoàn đạo đức, sốt sắng mà giao cho một người trưởng dở thì cũng sẽ đi xuống. Một hội đoàn đang chia rẽ, xuống cấp mà giao cho một hội trưởng ngon lành thì nhất định hội đoàn đó sẽ thăng tiến.
Lm. Giu-se Tạ Xuân Hòa
(Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org/ky-nang-lanh-dao-hoi-doan/)
Nhận xét